Thành công trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Giang

30/09/2019 10:43

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đề ra đã đi qua chặng đường 10 năm. Trong 10 năm qua cùng với các địa phương của tỉnh nhà, thành phố Hà Giang đã thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới với 3/3 xã đạt chuẩn. Là địa phương đầu tiên có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã về đích trước 1 năm theo Chương trình thi đua số 09 của UBND tỉnh Hà Giang phát động. Từ đó đến nay, các xã của thành phố luôn không ngừng phấn đấu tiếp tục nâng cao các tiêu chí đạt được để nâng cao mức sống của người dân. Có thể khẳng định qua 10 năm xây dựng nông thôn thành phố đã có sự chuyển mình vượt bậc, đời sống kinh tế - xã hội được nâng cao hơn trước nhiều lần, người dân có cuộc sống ổn định hơn, có của ăn, của để và mua sắm được nhiều phương tiện đắt tiền.

       Từ nay người dân thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường không còn phải vất vả khi thu hoạch nông sản ngoài đồng nữa, vì đã có con đường rộng thênh thang, to đẹp mới được xây dựng xong. Ông Nguyễn Đại Hán, trưởng thôn Bản Tùy cho biết, để có con đường rộng 3 mét, dài 400 mét, có đoạn phải tôn cao lên đến 2 mét, thôn đã vận động nhân dân ủng hộ được 146 triệu đồng, hiến 2.000 m2 đất, 300 ngày công lao động. Được biết, trước kia con đường này chỉ rộng 1,2 mét, đường đất, ổ voi, ổ gà đi lại rất khó khăn. Qua vận động nhân dân đã đồng tình ủng hộ thực hiện chỉ sau 46 ngày con đường đã hoàn thành. Sau 10 năm thực hiện triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Ngọc Đường bộ mặt nông thôn đã có sự đổi thay rõ rệt, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư khang trang hơn. Đến năm 2015 xã đã đạt được 19 tiêu chí nông thôn mới của Chính phủ đề ra. Từ đó đến nay, xã tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Với phương châm: 9 việc của hộ gia đình, 7 việc của thôn và 8 việc của xã, trong những năm qua, xã đã tổ chức triển khai thành lập được Làng nghề truyền thống bánh chưng gù; phát triển các mô hình kinh tế trồng mía, rau chuyên canh và cây ăn quả. Toàn xã có 100% đường trục xã, liên xã, đường trục thôn và liên thôn được cứng hóa; 100% người dân được sử dụng điện lưới, nước hợp vệ sinh; các trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia; trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 32,3 triệu đồng/người/năm; Tính đến năm 2019 qua rà soát trên địa bàn xã còn 7 hộ nghèo theo tiêu chí mới, tỷ lệ chiếm 0,81%, giảm 26 hộ so với năm 2015. Qua 10 năm tổng kinh phí đã thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã là trên 5,9 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp được trên 2,83 tỷ đồng. Để có được kết quả này ông Lê Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường, cho biết hàng năm ra nghị quyết lãnh đạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy nhận thức của người dân đã được chuyển biến từ thụ động sang chủ động thực hiện các phong trào của xã phát động.

       Với diện tích trên 2000 m2 của gia đình anh Nguyễn Tiến Hành, thôn Chang đang thực hiện thí điểm nuôi cá rô đồng thương phẩm. Anh Hành cho biết, bước đầu nuôi thấy cá phát triển tốt, đặc điểm của cá rô đồng là khả năng thích ghi với môi trường và sức đề kháng với bệnh tật tốt nên cá ít bệnh, tỷ lệ hao hư là rất ít. Lần thử nghiệm này Anh thả 5 nghìn con, với giá con giống là 1 nghìn đồng mỗi con, Anh ước tính nuôi trong vòng 3 tháng cá sẽ đạt trọng lượng khoảng 1,5 đến 2 lạng mỗi con, với giá bán trên thị trường hiện nay khoảng từ 80 đến 100 nghìn/kg thì lứa cá này trừ chi phí gia đình cũng thu về khoảng 20 triệu đồng. Để người nông dân tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cách đây 10 năm trước đây là một bài toán khó đối với xã. Nhưng đến nay việc người dân tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao giá trị sử dụng đất và nâng cao thu nhập cho gia đình đã là câu chuyện thường thấy ở nơi đây. Với việc lấy những nhân tố điển hình  để tuyên truyền vận động chính là cách vận động hiệu quả nhất để người dân thay đổi tư duy, nhận thức và chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tạo ra hiệu quả kinh tế cao nhất. 

       Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Phương Độ đã chuyển mình tích cực, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 29,5 triệu đồng/người/năm, tăng 19,5 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,24%. Hệ thống trường học, cơ sở y tế được đầu tư khang trang, hiện đại, trong đó trạm y tế xã đã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, có 2 trường được công nhận chuẩn Quốc gia; làm mới được 5,7 km đường nhựa, 26,4 km đường trục thôn, liên thôn, 23,9 km đường ngõ xóm, 13,2 km đường nội đồng; Làm mới 3 công trình thủy lợi, nâng cấp sửa chữa 8 công trình, kiên cố hóa 19,9 km kênh mương; nhân dân tự nguyện hiến 62.000m2 đất các loại, trên 12.000 ngày công lao động, hỗ trợ bằng tiền, vật liệu: 2,5 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác. Ông Nguyễn Văn Hương, Bí thư Đảng ủy xã Phương Độ khẳng định từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn của xã đã thay da đổi thịt. Nếu như trước khi thực hiện toàn xã qua rà soát chỉ đạt 5 tiêu chí, cơ sở vật chất xuống cấp thì đến nay cơ sở hạ tầng của xã cơ bản đáp ứng được sự phát triển.

       Hiện nay trên địa bàn xã Phương Thiện có gần 30 ha diện đất quanh nhà, diện tích vườn tạp, đồi tạp cho giá trị rất thấp. Để nâng cao giá trị sử dụng đất cho người dân, xã Phương Thiện đã thực hiện cải tạo trồng những cây có giá trị kinh tế cao hơn. Dẫn chúng tôi và cán bộ xã đi thăm khu vườn nhà mình vừa được cải tạo để trồng những cây ăn quả hồi cuối năm 2018, ông Nguyễn Văn Thịnh, thôn Châng cho chúng tôi biết ngay sau khi được xã triển khai chủ trương cải tạo vườn, đồi tạp ông đã thấy hay và về bàn với gia đình chuyển đổi 9.000 m2 vườn nhà mình để trồng các loại cây ăn quả. Ông chia sẻ tất cả diện tích này trước kia chủ yếu là cây vầu, cây cọ giá trị không cao, không có hiệu quả về kinh tế. Chính vì vậy, ông đã quyết định chuyển đổi trồng các loại cây như: mít thái, vú sữa, ổi, đu đủ, bưởi. Sau một thời gian trồng, các loại cây ăn quả nhà ông bắt đầu phát triển. Ông dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm một số diện tích để trồng một số loại cây lấy gỗ và chăn nuôi thêm để tạo được thu nhập ban đầu khi chưa có nguồn thu từ cây ăn quả.

       Kết quả lớn nhất sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Giang đó chính là: Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn của Thành phố. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của dân người dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của người dân, lôi cuốn họ vào xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, qua triển khai thực hiện Chương trình đã giúp cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là ở một số thôn, bản vùng cao có tiến bộ rõ rệt trong nhận thức đầy đủ về Chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã có nhiều thôn, bản phát huy sự năng động, sáng tạo sự tham gia của người dân tạo nên sức mạnh để xây dựng thôn mới thành công ở thôn, bản mình. Ngoài ra, từ Chương trình vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở 3 xã được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên rõ rệt, niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền được nâng cao. Qua 10 năm tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình, thành phố đã huy động được nguồn lực tương đối lớn để thực hiện. Trong đó, tổng số vốn bố trí lồng ghép cả giai đoạn là trên 297,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 19,9 tỷ đồng; nhân dân hiến gần 115 nghìn mét vuông đất; 155.000 ngày công lao động. Đến năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn thành phố ước đạt 29,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo tính đến hết năm 2018 còn 1,14%; 100% xã có hệ thống điện lưới quốc gia; trên 90% hệ thống kênh mương được kiên cố hóa; 100% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; làm mới được 32,7 km đường liên xã, 67,1 km đường liên thôn, 46,7 km đường ngõ, xóm, 15,2 km đường nội đồng; làm mới được 8 công trình thủy lợi, nâng cấp sửa chữa 24 công trình, kiên cố hóa 66,3 km kênh mương nội đồng; đầu tư mới 3 chợ phiên xã; tỷ lệ hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới đạt trên 93%.

 

       Qua thực tế triển khai thực hiện ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới bài học lớn nhất được thành phố chỉ ra đó là: Xây dựng nông thôn mới phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và của Ban chỉ đạo để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân coi đây là nội dung cốt lõi, quan trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; Tuyên truyền phải đúng đối tượng, đúng nội dung thì hiệu quả vận động mới cao; đồng thời, cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên phải gương mẫu đi đầu làm trước. Xây dựng nông thôn mới là phát huy dân chủ ở cơ sở, để người dân làm chủ, phát huy vai trò tích cực của các thôn, thực hiện có hiệu quả phương châm chỉ đạo:“ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát, dân hưởng lợi”; Mọi kế hoạch, chủ trương thực hiện trên địa bàn thôn, xã phải thông báo công khai rộng rãi đến nhân dân, phải lắng nghe ý kiến của dân, gần dân, sát dân, giải quyết các vướng mắc của dân phải dân chủ, mang tính tập thể, đảm bảo khách quan…

       Từ thành công và bài học thực tiễn được chỉ ra qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Giang sẽ góp phần quan trọng cho sự lãnh, chỉ đạo, tổ chức  thực hiện Chương trình trong thời gian tới, tạo đà cho sự phát triển đi lên của nông thôn thành phố Hà Giang trong quá trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Xây dựng nông thôn thành phố Hà Giang hiện đại, giàu bản sắc dân tộc nơi địa đầu cực bắc của Tổ quốc./.

 

 

 

Bàng Cường, Trung tâm VHTT&DL TPHG