Tổng kết Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020

04/09/2020 10:29

Sáng 3/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNNN), giai đoạn 2016-2020 và các chính sách, chương trình, dự án lâm nghiệp. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu thành phố có đồng chí Hầu Minh Lợi, tỉnh ủy viên, Bí thư thành ủy Hà Giang; ĐàoQuang Diệu, Ủy viên BTV thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thành phố.

       Tại hội nghị, đã đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và các chính sách, dự án lâm nghiệp, giai đoạn 2016-2020. Theo đó công tác giao, khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng được đổi mới theo hướng tích cực, nâng độ che phủ từ 54,84% (2015) lên 58% (2019). Phát huy rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ biên giới trong chống xói mòn, duy trì nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tổng diện tích rừng trồng giai đoạn 2016-2020 là 38.721,3 ha; diện tích rừng đặc dụng là trên 59.000 ha. Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng ổn định nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Chương trình đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Các chính sách hỗ trợ công tác bảo vệ, phát triển rừng mang tính xã hội cao, được nhân dân ủng hộ…

       Đối với thành phố Hà Giang trong 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả nổi bật: về cơ cấu nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 5,65%; Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 52%, đạt 101,96% mục tiêu; Giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 110 triệu đồng, đạt 100% mục tiêu; Sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt 4.887,3 tấn. Trong đó: Sản lượng lúa đạt 3.786,6 tấn; sản lượng ngô 1.100,8 tấn; Diện tích chè kinh doanh 318,2 ha, đạt 104,91%  mục tiêu; Cây dược liệu (thảo quả) là 415,4 ha, đạt 100% mục tiêu; Tổng đàn trâu, bò 1.735 con, sản lượng thịt hơi đạt 137 tấn (trâu 1.505 con, bò 230 con) đạt 50,7% mục tiêu  (đàn trâu, bò giảm do không có vùng chăn nuôi tập trung, mặt khác để đảm bảo môi trường nông thôn phát triển du lịch cộng đồng, các hộ đã bán trâu để mua máy móc thiết bị thay thế); Đàn ong là  950 đàn, đạt 135,71% mục tiêu; Sản lượng mật đạt 4.750 tấn; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 69,9%; đạt 100% mục tiêu.

       Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đào Quang Diệu khẳng định trong 5 năm thực hiện Đề án, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả và phát triển ổn định; sản xuất nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đảm bảo theo đúng khung thời vụ, nhiều mô hình mới, đã và đang được nhân rộng phát huy hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích không ngừng tăng lên; Các HTX, làng nghề chế biến nông sản như chè, thảo quả, làng văn hóa du lịch cộng đồng duy trì và phát triển, tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở nông thôn. Bên cạnh những mặt đạt được, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, tồn tại phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố chủ yếu tập trung tại 3 xã do vậy sản xuất nhỏ lẻ manh mún, quy mô nhỏ sản phẩm ít chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chất lượng dịch vụ còn thấp. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn  hạn chế.  Năng lực quản lý và tổ chức  sản xuất  các HTX, THT và doanh nghiệp còn nhiều bất cập; Công tác vận động tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở chưa phối hợp thường xuyên, đồng bộ.

        Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất theo hướng hàng hoá chuyên sâu, duy trì phát triển vành đai thực phẩm hàng hoá an toàn chất lượng trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn; Hỗ trợ người dân tiếp cận được với các nguồn vốn và cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của tỉnh để phát triển sản xuất đảm bảo đúng đối tượng đạt hiệu quả. Tạo ra sản phẩm có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng; đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; Khai thác tốt các tiềm năng lợi thế vốn có từ tự nhiên; khắc phục những tồn tại, khó khăn để phát triển sản xuất tăng nhanh giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất canh tác hàng năm trên địa bàn thành phố.

        Để ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển đạt hiệu quả trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đào Quang Diệu đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để xã tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã điển hình kiểu mẫu về phát triển kinh tế nông nghiệp đảm bảo đạt hiệu quả. Đồng thời, Tỉnh tiếp tục có những cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực Nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nâng cao hiệu quả sản xuất Nông lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao tăng thu nhập cho người dân./.

Thu Hiền - Trung tâm VHTT&DL TP