Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Văn hóa - Du lịch

Gửi Email In trang Lưu
Món ngon Hà Giang – đậm đà hương vị miền núi.

04/12/2017 10:56

Nhắc đến Hà Giang không chỉ được biết đến với nhiều phong cảnh hùng vĩ, phong tục tập quán đa dạng, những lễ hội phong phú và đặc sắc, những dãy núi đá cao chót vót mà ở đây chúng ta còn thấy đó là một mảnh đất với nhiều sản vật của tự nhiên rất hấp dẫn. Do đặc thù vị trí địa lý và đời sống văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc chính vì vậy văn hóa ẩm thực của Hà Giang cũng vô cùng đặc sắc. Những món ăn mộc mạc, đặc sắc như chính cuộc sống của con người trên mảnh đất cao nguyên đá khô cằn này. Và những món ngon Hà Giang ấy là cách để bạn hiểu và gần gũi nhất với người dân ở đây, những món ăn được làm từ nhiều nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, trở thành món ăn lạ miệng, thú vị và ấn tượng đặc biệt chỉ có ở cao nguyên vùng cao Hà Giang. Dưới đây là một số món ăn bạn không thể bỏ qua:

 1. Cháo ấu tẩu.

 

 

Địa chỉ: Quán Hương Thường – Tổ 5, phường Nguyễn Trãi, ĐT: 0986534888

Cháo ấu tẩu như loại cháo thịt với chân giò bình thường nhưng có thêm ấu tẩu nấu cùng và cháo màu hơi vàng, vị đăng đắng của ấu tẩu. Người ta nói rằng đến Hà Giang không thưởng thức cháo ấu tẩu xem như chưa đến Hà Giang. Cháo ấu tẩu có thành phần nguyên liệu từ củ ấu tẩu (còn có tên gọi ô đầu, phụ tử), một loại củ có chất độc cực mạnh thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong, nhưng nếu biết cách loại bỏ chất độc đi thì đây lại là một vị thuốc quý có tác dụng chữa bệnh mất ngủ. Qua cách chế biến loại bỏ độc tố tài tình của đồng bào dân tộc, củ ấu tẩu trở thành món cháo ấu tẩu nức tiếng của mảnh đất cao nguyên đá. Nấu cháo ấu tẩu không quá cầu kỳ, chỉ với chân giò vào gạo được ninh nhừ cùng củ ấu tẩu là đã làm nên một nồi cháo ấu tẩu tuyệt hảo.

Giá: 15.000đ – 30.000đ/bát

 

 2. Phở chua Hà Giang.

 

 

Địa chỉ: Quán Hiền Lương – Tổ 5, Phường Nguyễn Trãi . ĐT: 0984.742.998  

Bát phở có vị chua nên được gọi là phở chua, được chế biến từ bánh phở tươi ngon trộn với nước phở sền sệt chua ngọt làm từ một loại hòa với đường, cùng bột sắn thêm một chút gia vị. Bát phở chua có thêm những lát thịt lợn quay, lạp xưởng và nộm đu đủ hoặc dưa chuột nạo rắc thêm ít rau thơm. Vậy là đã có một bát phở chua hoàn hảo đúng điệu.

Phở chua không ngập trong nước mà chỉ xăm xắp nước chua khiến món ăn không quá khô rất dễ ăn. Bạn có thể dễ dàng tìm được món ăn này ngay tại thành phố Hà Giang.

Giá: 35.000đ/bát

 

3. Bánh cuốn.  

 

 

Địa chỉ: Quán bánh cuốn Bà Làn – Tổ 17 phường Trần Phú. ĐT: 0945437088

Bánh cuốn là món ăn quen thuộc ở miền Bắc nhưng mỗi nơi lại có cách chế biến khác nhau. Vỏ bánh làm từ bột gạo mỏng tanh nhưng mịn, dai và ngọt. Bánh cuốn Hà Giang khác biệt bởi khi ăn được ăn cùng bát canh to với nước xương ninh nhừ và ăn cùng giò lụa hoặc chả băm thêm vài cọng rau thơm. Bánh cuốn nơi đây nổi tiếng nhưng không nằm trong nhà hàng sang trọng mà nằm khiêm tốn khuất trong hàng quán đơn sơ ở những con hẻm nhỏ của Thành phố . Bánh được tráng khi có khách gọi trực tiếp trên bếp củi, tùy theo khẩu vị của người ăn mà cho nhân có thịt và mộc nhĩ hoặc trứng tráng. Dưới tiết trời se lạnh của buổi sớm mai ngồi bên bếp nấu bánh bốc khói nghi ngút cho ra món bánh cuốn thơm nức, ngậy béo thật khiến du khách xao lòng.

Giá: 25.000đ/suất

 

4. Thắng dền.

 

 

Thắng dền là một loại bánh ăn chơi khá phổ biến tại thành phố Hà Giang. Nhiều người nhầm tưởng đây là món bánh trôi miền xuôi nhưng thắng dền lại có cách chế biến hoàn toàn khác. Bánh làm từ bột nếp, đường và được nặn thành viên tròn, Chỉ khi có khách gọi, chủ quán mới cho bánh vào luộc rồi chan nước bao gồm đường hoa mai cô đặc, dừa và gừng. Đây là món ăn khá hợp vào khí trời mát mẻ ở Hà Giang, đặc biệt trong những ngày đông. Vị cay cay của gừng sẽ khiến du khách nhớ mãi không thôi.

Giá: 10.000/ bát

 

5. Xôi ngũ sắc.

 

 

Địa chỉ: Quán Hường Kửu K9 - Tổ 5,phường Nguyễn Trãi, ĐT: 0982573582

Xôi ngũ sắc là món ăn đặc sản nổi tiếng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ tết của người dân tộc ở Hà Giang. Xôi ngũ sắc có 5 màu, không phải tự nhiên mà theo người dân tộc Tày thì 5 màu trắng, đỏ, tím, xanh, vàng còn tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ với ý nghĩa tôn thờ đất đai, cầu mong đất đai tốt tươi, thuận lợi cho người dân làm nương trồng lúa và lương thực.

Để tạo lên màu sắc độc đáo của xôi ngũ sắc, thì người dân đã lựa chọn các loại cây quả đặc trưng của vùng núi để phẩm màu cho chúng. Màu trắng thì chính là màu sắc của gạo nếp cái hoa vàng nấu lên thành vậy, màu đỏ là màu của gấc, lá cơm đỏ; Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cây ba soi, cây thành ngạnh khô, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau…Xôi ngũ sắc có tính dẻo thơm, nếu để lâu cũng sẽ dễ bị cứng và nếu ăn cũng không cần đến những gia vị khác. Một món ăn đã làm nên bản sắc của đồng bào vùng cao, một món ăn mà chỉ nhắc đến tên thôi đã khiến người ta nhớ đến đại ngàn hùng vĩ…đó chính là đặc sản xôi ngũ sắc. Với hình thức bắt mắt, độ dẻo thơm khó lẫn xôi ngũ sắc đã trở thành một món ăn khó vắng mặt vào các dịp lễ hội, sinh hoạt cộng đồng tộc người thiểu số trong năm.

Giá: 50.000 đĩa.

 

6. Lạp xườn gác bếp.

 

 

Để làm nhân lạp xưởng người ta chọn loại thịt nửa nạc nửa mỡ. Bởi nạc nhiều, lạp xưởng sẽ khô, sác; mỡ nhiều, lạp xưởng sẽ nhão, ăn mau ngấy nên loại thịt thích hợp nhất để làm lạp xưởng là thịt vai. Thịt được lạng bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt. Và không thể thiếu một ít rượu trắng, một ít nước gừng và một ít quả mắc mật khô xay nhỏ ướp cùng. Theo kinh nghiệm của đồng bào nơi đây thì ướp thịt với rượu trắng và nước gừng như vậy khiến cho lạp xưởng sẽ có mùi thơm rất đặc trưng, để được lâu mà không bị hỏng.

Lạp xưởng khi đã khô thì để nguyên cả khúc đem chiên cho chín sau đó mới thái lát, khi ăn chấm với mắm gừng. Hoặc thái lạp xưởng thành các khoanh dầy vừa phải, chờ cho mỡ trong chảo thật nóng già thì cho lạp xưởng vào, đảo lên, rưới thêm ít nước mắm, rắc thêm chút hành tươi. Đĩa lạp xưởng thơm phức, mới trông đã thấy thèm. Cho nên ngày tết, dù có bao món ngon, lạp xưởng vẫn là món được mọi người đụng đũa nhiều hơn cả.

Lạp xưởng có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.

Giá: 300.000 – 450.000/kg

 

(Một số hình ảnh trong bài được sử dụng từ nguồn Internet)

Thúy Hường - Trung tâm VHTT&DL Thành phố

Tin khác

LÀNG VĂN HÓA DU LỊCH CỘNG ĐỒNG THÔN LÂM ĐỒNG - ĐIỂM ĐẾN ĐẦY HẤP DẪN (04/12/2017 10:48)

LỄ HỘI HOA TAM GIÁC MẠCH 2017 - BẢN TÌNH CA TỪ ĐÁ (23/11/2017 14:43)

Thành phố Hà Giang đồng hành cùng Lễ hội (23/11/2017 07:39)

Thành đoàn tổ chức tập huấn chuyên đề “Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng” (19/10/2017 15:43)

Khai trương Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện (14/10/2017 14:29)

LÀNG VĂN HÓA DU LỊCH CỘNG ĐỒNG THÔN THA - ĐIỂM ĐẾN CỦA DU KHÁCH (14/08/2017 14:04)

DU LỊCH THÀNH PHỐ HÀ GIANG VỚI NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI (06/08/2017 08:47)

Khai mạc lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ Homestay 2017 (04/08/2017 17:10)

Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Đề án xây dựng Thành phố Hà Giang trở thành trung tâm du lịch của Tỉnh đến năm 2020 – tầm nhìn 2030 (13/06/2017 15:59)

Phát huy tiềm năng du lịch tại Thành phố Hà Giang (22/05/2017 07:56)

xem tiếp