Thứ bảy, Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024

Kinh tế

Gửi Email In trang Lưu
Hiệu quả, sức lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước của thành phố Hà Giang

23/07/2020 09:14

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước – Yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong những năm qua thành phố Hà Giang đã phát động và thực hiện nhiều phong trào thi đua đến với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, thành phố đã không ngừng đẩy mạnh và đổi mới công tác thi đua khen thưởng, nhờ đó các phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, có nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của thành phố cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Giang lần thứ XVII đã đề ra.

       Ngay từ năm 2015, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Giang lần thứ XVII; Chương trình phát động phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020; các Chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Thành phố đã ban hành các chương trình, kế hoạch thi đua theo từng năm; đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế trên các lĩnh vực. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố cụ thể hóa, xây dựng chương trình, kế hoạch thi đua ở cấp mình với phương châm bám sát nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu thi đua chung của thành phố; cũng như nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đó, nhiều phong trào thi đua đã được phát động, triển khai thực hiện với nhiều cách làm hay, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia; xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, mang lại hiệu quả thiết thực và tạo được sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn thành phố.

Trên lĩnh vực kinh tế, thành phố đã triển khai tích cực việc thi đua với các nội dung, cách làm cụ thể như: Triển khai thực hiện có hiệu quả 4 Chương trình phát triển vành đai thực phẩm; đề án tái cơ cấu nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hình thành vùng vành đai thực phẩm sản xuất hàng hoá, nâng giá trị sản phẩm thu hoạch hàng năm. Qua thực hiện đã có nhiều mô hình kinh tế, nhiều tâm gương tiêu biểu như: Gia đình ông Nguyễn Hữu Quân, tổ 3, phường Quang Trung với việc triển khai áp dung khoa học trong chăn nuôi gà, cá, nuôi ong và trồng cây ăn qua. Với mô hình VAC của nhà ông Quân mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

       Phong trào thi đua trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và đầu tư, xây dựng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến nông sản, dược liệu, cũng như trong thi công xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”. Tiêu biểu như Công ty Chè Thành Sơn đã không ngừng đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị thương hiệu chè cổ thụ Tây Côn lĩnh. Từ đó đã có nhiều sản phẩm từ chè được xuất bán trên thị trường như: Trà trắng, trà xanh, hồng trà, phổ nhĩ và cao trà. Nhờ vậy, các sản phẩm của Công ty đã được, giới thiệu xuất khẩu đi một số nước trên thế giới.

       Trong Thi đua trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch đã thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ; quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, gian hàng trong và ngoài tỉnh; phát triển kinh tế thị trường, mở thêm các chợ xã; giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa các dân tộc; xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển các làng nghề. Tiêu biểu như Hợp tác xã Bánh chưng gù, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường. Qua 3 năm phát triển, Hợp tác xã đã tạo được uy tín trên thị trường, làm ăn phát đạt và tạo sinh kế cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Hiện nay mỗi ngày Hợp tác xã sản xuất bình quân từ 2.000 chiếc, vào các ngày rằm, lễ, Tết có ngày lên đến trên 4.000 chiếc bánh. Từ khi thành lợp Hợp tác xã đến nay thương hiệu Bánh chưng gù được nhiều người biết đến. Bánh chưng gù đã có mặt ở nhiều nước như Mỹ, một số nước Châu âu và các tỉnh thành của Việt Nam. Nhờ có Hợp tác xã mà các hộ làm Bánh chưng gù tại thôn đã có thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Có hộ đã trở thành hộ khá và giàu từ nghề bánh chưng gù. Hợp tác xã Bánh chưng gù thôn Bản Tùy xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ của hội Phụ nữ thành phố nói riêng cũng như tỉnh Hà Giang nói chung.

       Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội các cấp, các ngành thành phố đã triển khai nhiều phong trào, việc làm thiết thực, hiệu quả. Từ đó xuất hiện nhiều phong trào được cán bộ công chức, viên chức, người lao động hăng hái thi đua lập thành tích. Tiêu biểu như trong y tế có bác sỹ Vũ Quang Huy, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm y tế thành phố. Năm 2014, Vũ Quang Huy tốt nghiệp đường Đại học Y dược Thái Nguyên và đến công tác tại Trung tâm y tế Thành phố Hà Giang và được phân làm việc tại khoa kiểm soát dịch bệnh. Là cán bộ trẻ năng động, nhiệt tình bác sỹ Vũ Quang Huy được Chi bộ cơ quan phân công làm nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn, rồi Phó khoa phụ trách Kiểm soát dịch bệnh và đến năm 2016 được giữ chức Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh. Với nhiệm vụ điều tiết thực hiện các nhiệm vụ của khoa như: Thực hiện các chương trình phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng, phòng chống HIV/AIDS, lao, tâm thần và các bệnh truyền nhiễm không lây nhiễm, bác sỹ Huy luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao góp phần làm tốt công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

       Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, trong những năm qua thành phố đã triển khai việc Chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình. Với việc chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, định hướng dự phòng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Áp dụng ứng dụng cộng nghệ thông tin cập nhật thông tin sức khỏe, bệnh tật của nhân dân, tập hợp các cơ sở dữ liệu thống nhất, khám định kỳ, lập hồ sơ sức khỏe của từng người dân; phân cấp, hướng tới đưa việc chăm sóc, theo dõi, cấp thuốc điều trị các bệnh không truyền nhiễm về trạm y tế xã, phường và khắc phục được tình trạng cùng loại bệnh nhưng thuốc tuyến dưới kém hơn tuyến trên. Bên cạnh đó, việc chăm sóc hiệu quả cho người mắc bệnh mãn tính, những bệnh nhẹ ở ngay tuyến xã, phường sẽ giảm chi phí tiền bạc, tránh để bệnh diễn biến nặng mới đến cơ sở y tế. Qua tổ chức triển khai thực hiện đã có hàng nghìn hộ gia đình được quản lý hồ sơ sức khỏe, góp phần không nhỏ trong công tác an sinh xã hội của thành phố.

       Hay trong giáo dục và đào tạo, qua thực hiện thi đua yêu nước ngành giáo dục đã triển khai các phong trào như: Phong trào “dạy tốt, học tốt”; “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; mô hình đưa văn hóa truyền thống vào trường học; Tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", mô hình "Cải tiến mô hình Trường chất lượng cao để nâng cao chất lượng dạy và học"…vv. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương giáo viên, học sinh giỏi.

       Trong thực hiện các phong trào thi đua thành phố đã triển khai một cách đồng độ, thiết thực trên từng phong trào cụ thể. Tiêu biểu như phong trào Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Qua triển khai phong trào đã góp phần làm diện mạo nông thôn ở 3 xã có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng dần được hoàn thiện. Trong giai đoạn 2016–2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho 03 xã là trên 61,96 tỷ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp trên 29,7 tỷ đồng, hiến 105 nghìn m2 đất và 156 nghìn ngày công); sửa chữa, nâng cấp và làm mới trên 110km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa được 66,35 km kênh mương nội đồng; hoàn thành đưa vào vận hành 26 công trình điện 10 đầu tư cho các dự án điện nông thôn. Chú trọng triển khai các giải pháp về tổ chức sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đến nay thu nhập bình quân đầu người tại 03 xã đạt 35,9 triệu đồng/người/năm (tăng 14,5 triệu so với năm 2015); 03 xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí nâng cao. Thành phố Hà Giang đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020.

       Trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”: Thành phố Hà Giang xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các đơn vị và của nhân dân trên địa bàn. Hàng năm thành phố đều xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo gắn với phân công các phòng, ban, đơn vị phụ trách giúp đỡ các hộ nghèo. Nhờ đó, phong trào thi đua giảm nghèo được các ngành tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, nội dung thiết thực như: Các tổ chức công đoàn duy trì thực hiện tốt quỹ “Mái ấm công đoàn”; Mặt trận Tổ quốc tiếp tục phát huy quỹ “Vì người nghèo”; Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các chính sách, dự án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phối hợp triển khai thực hiện tốt việc giải ngân các nguồn vốn cho vay xóa đói, giảm nghèo... Từ hiệu quả của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kết quả cụ thể trong giai đoạn 2016-2020: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,33% năm 2015 xuống còn 0,26% năm 2020; thực hiện xóa 50 nhà tạm thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, cựu chiến binh khó khăn về nhà ở; 125 hộ nghèo và 244 hộ cận nghèo đã có thu nhập trên mức chuẩn nghèo và vươn lên thoát nghèo, cận nghèo.

       Trong phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được thành phố triển khai thông qua việc chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi phát triển thành lập doanh nghiệp; Tích cực, chủ động đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc như Tổ chức đối thoại giữa chính quyền với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn để trao đổi, lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã. Hiện nay trên địa bàn có 1.443 doanh nghiệp và 95 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, các hợp tác xã đã tích cực phát động các phong trào thi đua lao động, sản xuất kinh doanh giỏi và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động. Đến nay đã có 14 doanh nghiệp, HTX và trên 62 cá nhân triển khai ý tưởng, mô hình khởi nghiệp thành công, tiêu biểu như: Dự án trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm đã nhận giải Nhất của cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc; Dịch vụ quán Bông Hostel; Nhà hàng Phở Maison; Cơ sở Homestay Rock Garden; Dịch vụ Làng Tày Homestay,xã Phương Thiện.

       Trong thực hiện phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với “Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang”: Thành phố Hà Giang nhận thức việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cuộc sống thường ngày với phương châm thực hiện “Học tập đi đôi với làm theo”. Qua thực hiện đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến tiêu biểu trong học tập làm theo Bác. Tiêu biểu như Trưởng thôn Lùng Vài, xã Phương Độ, Lý Văn Hồng, một người tận tụy, trách nhiệm và là người truyền lửa trong việc phát triển kinh tế của thôn vùng cao xã Phương Độ. Nếu như trước kia người dân chỉ biết tự cung, tự cấp, cuộc sống khó khăn đủ bề, phần lớn người dân trong thôn thuộc diện nghèo. Trong những năm trở lại đây, từ những cách chỉ bảo của Trưởng thôn Lý Văn Hồng cuộc sống của người dân đã khá giả hơn trước rất nhiều. Hiện nay thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, 3 hộ cần nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng; 100% hộ dân có máy cành, bừa, có ti vi, xe máy, tủ lạnh. Người dân nơi đây họ thường nói với nhau rằng đó là nhờ vào Trưởng thôn, một người tốt bùng, vì mọi người.

       “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…” Lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu cách đây hơn 71 năm vẫn còn nguyên giá trị. Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của thành phố Hà Giang công tác thi đua luôn được các cấp các ngành đặc biệt quan tâm và nhờ đó các phong trào thi đua đã được phát động một cách sâu rộng, hiệu quả. Tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ góp phần cho sự phát triển và đi lên của thành phố Hà Giang trong những chặng đường tiếp theo./.

Bàng Cường, Trung tâm VHTT&DL thành phố

Tin khác

Thành phố đánh giá thu – chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 (20/07/2020 09:22)

Hợp tác xã Bánh chưng gù thôn Bản Tùy – Thương hiệu được người tiêu dùng khẳng định (29/06/2020 22:19)

Hội nghị tư vấn đánh giá thực trạng di chỉ khảo cổ học Đồi Thông tại tổ 17, Phường Trần Phú, thành phố Hà Giang (18/06/2020 15:41)

Hội Nông dân thành phố Hà Giang phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả (16/06/2020 08:32)

Các ưu đãi cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (20/04/2020 22:09)

Các tỉnh, thành phía Bắc tăng cường phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông – Xuân (07/04/2020 20:23)

Nguồn cung mặt hàng thiết yếu đảm bảo ứng phó với dịch bệnh Covid-19 (30/03/2020 08:40)

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phầm tỉnh làm việc với thành phố (15/01/2020 22:06)

Sinh kế cho người chăn nuôi sau Dịch tả lợn Châu Phi (15/01/2020 22:01)

Thành phố Hà Giang tổng kết Khối kinh tế tổng hợp (11/01/2020 18:27)

xem tiếp