Thứ ba, Ngày 21 Tháng 5 Năm 2024

Chuyển đổi số

Gửi Email In trang Lưu
Giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh từ Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy

08/09/2023 16:01

Thưa quý vị và các bạn! Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của Tỉnh uỷ về “ thực hiện xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang” đã đi vào đời sống được hơn 2 năm. Qua tổ chức triển khai thực hiện đến nay trên địa bàn thành phố Hà Giang đã có nhiều hủ tục lạc hậu, nhiều thói quen xấu được bài trừ, loại bỏ. Từ đó, góp phần không nhỏ trong giảm chi phí, gánh nặng trong thực hiện các ghi thức đám tang, cưới hỏi, sinh hoạt đời sống hàng ngày để xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh.

Đám ma ở Phương Thiện đã được rút ngắn nhờ Nhà táng bằng khung inox

           Cắt giảm những nội dung không cần thiết trong việc tang là một trong những việc khó mang tính tâm linh, ăn sâu trong văn hóa, đời sống, tinh thần của nhân dân. Trước đây, đám tang của đồng bào dân tộc Tày tại xã Phương Thiện thường phải mất từ 4 đến 5 ngày do phải chuẩn bị nhiều khâu, ghi lễ rườm rà. Thế nhưng, chỉ 2 năm trở lại đây việc tổ chức đám tang đã được cắt giảm còn 2 ngày. Để có kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền xã trong việc nhận diện những hủ tục lạc hậu, cắt giảm những nội dung trong những ghi thức mà không làm ảnh hưởng đến truyền thống, văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào Tày nơi đây. Tiêu biểu, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện làm Nhà táng bằng khung inox, để sử dụng nhiều lần trong cácđám tang. Gia đình ông Cường, thôn Lâm Đồng hôm nay có người qua đời. Theo phong tục xưa thì gia đình phải cắt cử khoảng 10 người có sức khoẻ lên rừng lấy nứa về làm Nhà táng cho người đã khuất. Thời gian đi lấy nứa ít nhất cũng phải mất 1 ngày. Ngày hôm sau mới được tiến hành các bước làm Nhà táng. Ngoài ra, để làm được Nhà táng lại cần những người thợ có kỹ thuật mới có thể làm được. Nhưng, giờ đã khác nhờ Nhà táng bằng inox này mà gia đình ông không phải lên rừng lấy nứa, không mất công chờ đợi 2 ngày trời mà bắt tay vào thực hiện các ghi thức tiếp theo ngay sau khi người nhà qua đời. Nhờ vậy, đã tiết kiệm được thời gian, chi phí ăn uống trong 2 ngày, người nhà cũng đỡ mệt mỏi do đám tang kéo dài ảnh hưởng đến sức khoẻ, việc phát triển kinh tế không chỉ của người thân mà của cả hàng xóm, bạn bè thân quen.

Phát huy vai trò người có uy tín trong bài trừ các hủ tục

         Trong đám tang của đồng bào dân tộc Tày các ghi thức vẫn còn rườm rà, mất thời gian, tốn tiền bạc. Nhận diện được điều này, Ban chỉ đạo thực hiện xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân thành phố đã gặp gỡ các thầy mo, thầy cúng, người uy tín để tuyên truyền, bàn các giải pháp giảm bớt một số khâu, ghi thức không cần thiết. Thay đổi đã bắt đầu từ công tác tuyên truyền của người có uy tín. Đối với các đám tang của đồng bào người Tày tại thành phố hiện nay không còn xem ngày, giờ vào đám; không báo tang từng nhà, lễ báo hiếu của người con gái đã được cắt giảm gọn nhẹ không còn tình trạng giết mổ nhiều gia súc gây lãng phí, kéo dài nhiều ngày do thủ tục cúng từng người, mà thay vào đó làm thủ tục cúng cho tất cả các con gái cùng một lúc. Nhờ vậy, đám tang đã được giảm bớt từ 4 đến 5 ngày xuống còn 2 ngày.

Đám ma tại phường Trần Phú không nhận vòng hoa, bức trướng

           Một đám tang của một gia đình tại các phường trung tâm thành phố trước kia có hàng trục vòng hoa, bức trướng. Thậm chí, có những đám tang lên đến hàng trăm vòng hoa, bức trướng. Mỗi một vòng hoá có giá từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng, cộng với bức trướng thì một đoàn viếng có một vòng hoa, một bức trướng đã tốn khoảng 2 triệu đồng. Như vậy, vừa lãng phí tiền bạc, vừa gây ôi nhiều môi trường. Nhận diện được những thói quen xấu này và qua các cuộc hội thảo, hội nghị phường Trần Phú đã tuyên truyền nhân dân trên địa bàn thực hiện nếp sống văn minh đó là không vòng hoa, bức trướng trong đám tang. Nhờ vậy, đến nay tất cả các đám tang trên địa bàn phường đều không vòng hoa, bức trướng. Không dừng lại ở đó, phường Trần Phú còn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện văn minh trong đám tang như: không sử dụng loa nén, không mở nhạc hiếu quá 22 giờ; không rải vàng mã, không thủ tục rườm rà. Khi trên địa bàn phường có người qua đời, phường có thư chia buồn, động viên gia đình...vv.

           Gia đình anh Nguyễn Quốc Toản, thôn Sơn Hà, xã Ngọc Đường tổ chức đám cưới cho con trai cả. Mặc dù là gia đình có điều kiện trong thôn, nhưng đám cưới đứa người con đầu này gia đình cũng không tổ chức linh đình mà chỉ tổ chức nhanh gọn trong vòng 1 ngày, với 60 mâm cơm để mời anh em họ hàng thân thiết và bà con lối xóm, không mời mở rộng. Anh Toản cho biết, nhờ được sự vận động tuyên truyền của xã về thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm nên gia đình đã hiểu và làm theo. Nên gia đình chỉ tổ chức với quy mô nhỏ, không tổ chức linh đình miễn các con có cuộc sống hạnh phúc.

            Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao là nét đẹp văn hóa. Con trai người Dao chỉ được coi là trưởng thành khi đã trải qua Lễ cấp sắc. Để triển khai Lễ cấp sắc cần phải trải qua nhiều bước, nhiều lễ vật và kéo dài tới 4, 5 ngày gây tốn kém về tiền bạc, thời gian. Thực hiện Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy, xã Phương Độ đã tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các thầy mô, người có uy tín về các nội dung cần phải lược bỏ, giảm bớt thời gian tổ chức lễ cấp sắc. Nhờ vậy, lễ cấp sắc của người Dao ở 3 thôn vùng cao của xã Phương Độ hiện nay đã được giảm bớt 1 nửa cả về thời gian tổ chức, lễ vật, tiền bạc.

           Với quan điểm “lấy cái đẹp - dẹp cái xấu”; những phong tục tập quán hay, ý nghĩa, tốt đẹp thì duy trì, phát huy và ngược lại những hủ tục không phù hợp với nếp sống văn minh thì cần phải loại bỏ. Trong hơn 2 năm qua từ khi Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của Tỉnh uỷ đi vào đời sống đã làm thay đổi dần suy nghĩ, tư duy lạc hậu hướng nhân dân đến với cuộc sống văn minh hơn.

           Công cuộc “gạn đục, khơi trong”, không phải một sớm, một chiều, không thể làm trong ngày một, ngày hai. Việc tổ chức triển khai đang được thực hiện thận trọng, bài bản, làm đến đâu chắc đến đó và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của Tỉnh uỷ là làn gió mới giúp nhân dân giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh, nhưng vẫn giữ được truyền thống văn hoá, làm tôn thêm, đẹp thêm những giá văn hoá của cộng đồng các dân tộc Hà Giang trên dải đất biên cương của Tổ quốc./.

Bàng Cường

Tin khác

Ra mắt công trình thanh niên “Mã QR gắn với địa chỉ đỏ” (26/07/2023 07:17)

Những kết quả trong công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023 ở thành phố Hà Giang (14/07/2023 08:13)

Họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Hà Giang (29/06/2023 07:48)

Thành phố Hà Giang nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Trung tâm điều hành giám sát IOC (16/06/2023 14:51)

Hội nghị tập huấn triển khai Đề án 06 và phổ cập kỹ năng số cộng đồng năm 2023 (13/04/2023 03:46)

Họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Hà Giang (13/04/2023 03:39)

Thành phố Hà Giang đẩy mạnh chuyển đổi số (21/02/2023 09:17)

xem tiếp