Thứ năm, Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Văn hóa - Văn nghệ

Gửi Email In trang Lưu
“Tết Năm Cùng” của đồng bào Dao ở thành phố Hà Giang

18/01/2023 09:46

Hòa cùng dòng chảy văn hóa các dân tộc, đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn thành phố Hà Giang luôn giữ gìn những giá trị truyền thống riêng, với những nghi lễ, phong tục đậm bản sắc. “Tết năm cùng” là một trong 3 cái Tết quan trọng trong một năm của cộng đồng người Dao ở thành phố Hà Giang. Đến nay, tục lệ đón “Tết năm cùng” của người Dao vẫn lưu giữ được rất nhiều nét đặc trưng, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của anh em trong dòng họ và tình đoàn kết của cộng đồng.

Các gia đình chuẩn bị nghi thức cho buổi lễ “Tết năm cùng”

 

 Sinh sống lâu đời trên vùng đất thành phố Hà Giang, đồng bào Dao hình thành, lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú, trong đó “Tết năm cùng” là một nghi lễ lâu đời phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.     

        Trong ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi, anh Lý Văn Vấn tiếp đón họ hàng và khách phương xa. Anh phấn khởi cho biết: “Tết năm cùng” là phong tục rất quan trọng đối với người Dao nên cứ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch hàng năm, hầu hết các gia đình trong thôn sẽ lần lượt chuẩn bị cỗ, mời thầy cúng về làm lễ và mời anh em, họ hàng đến ăn Tết. Để đón “Tết năm cùng”, các gia đình dân tộc Dao đã tăng gia sản xuất, chuẩn bị trước 2 tháng như nuôi lợn, nuôi gà, chuẩn bị gạo nếp, nguyên liệu làm bánh...

        Đón “Tết năm cùng”, có 3 món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng là thịt lợn, gà và bánh dày. Lợn phải mổ nguyên cả con, thủ lợn được dùng để làm lễ cúng, phần còn lại được chế biến thành các món ăn. Để mổ lợn, từ sáng sớm, những thanh niên khoẻ mạnh, nhiệt tình trong dòng họ đều được trưởng họ huy động đến để đi bắt lợn, mổ lợn và tham gia vào việc giã bánh dày. Bánh dày được làm từ gạo nếp đồ thành xôi chín, sau đó cho vào cối đá giã nhuyễn, trộn cùng với vừng rang rồi nặn thành từng chiếc bánh tròn vừa ăn.

        Trong “Tết Năm cùng” của đồng bào Dao thì nghi lễ cúng là nghi lễ quan trọng nhất, thường do 3 thầy cúng thông thạo tiếng Dao cổ hành lễ. Trong tín ngưỡng thờ cúng, đồng bào Dao chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Ba mâm lễ lần lượt được bày biện thành kính để cúng Bàn vương (thủy tổ của người Dao), cúng hương hỏa tổ tiên (những bậc cao niên trong gia đình) và cúng quần chúng gia tiên (những người nhỏ hơn trong gia đình như vợ, con...). Các thầy cúng sẽ thay mặt gia chủ kính cáo với tổ tiên, Bàn vương, gia tiên những những công việc đã làm được và những công việc còn chưa làm được trong năm, đồng thời cầu mong những điều may mắn, thuận lợi sẽ đến trong năm mới.

         Sau nghi lễ cúng, lễ vật được hạ xuống để tất cả mọi người cùng ăn Tết. Thức ăn được đặt trong mâm hoặc rổ hình tròn, bên trên lót lá chuối tươi. Thầy cúng và các vị chức sắc trong làng, các con trai trong họ ngồi mâm riêng trong nhà lớn. Còn thanh niên, phụ nữ trong gia đình thì ăn ở ngoài sân hoặc nhà dưới. Trong bữa ăn, người Dao thường mời nhau chén rượu, chúc nhau những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Người Dao quan niệm, gia đình nào có nhiều khách thăm nhà, ăn “Tết năm cùng” sẽ càng may mắn trong năm mới, vì thế trong những ngày “Tết năm cùng”, cộng đồng người Dao luôn sống trong không khí tràn đầy hân hoan, phấn khởi..

        Bà Trương Thị Liềm năm nay 86 tuổi cho biết: “Chúng tôi rất háo hức mong đến ngày Tết của dân tộc mình, tục lệ đã ăn sâu vào mỗi thế hệ nơi đây nên cứ đến ngày này ai cũng thấy phấn khởi nô nức để về dự tết với gia đình”. 

         “Tết năm cùng” cũng là dịp để anh em, người thân làm ăn xa về tụ họp, lễ cúng tổ tiên, báo cáo một năm làm ăn thuận lợi và cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi, gia đình khỏe mạnh. 

         Một mùa Xuân mới, một cái Tết ấm cúng nữa đang về với người Dao ở thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường nói riêng và đồng bào dân tộc Dao ở thành phố Hà Giang nói chung. Nghi lễ thờ cúng ngày “Tết năm cùng” của đồng bào dân tộc Dao không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện sự thành kính của con cháu với tổ tiên vì thế công tác chuẩn bị và bày trí cho nghi lễ này được đồng bào rất chú trọng. Sau “Tết năm cùng”, bà con người Dao lại tất bật dọn dẹp nhà cửa để đón Tết Nguyên đán đang đến rất gần.

         Mùa Xuân ở các bản làng người Dao trên địa bàn thành phố Hà Giang trở nên sôi động hơn bởi những tiếng cười rộn rã, gọi bạn đi chơi Tết của các chàng trai cô gái. Các bà, các mẹ, các chị được diện những bộ váy áo truyền thống đi chơi Tết, cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian, những làn điệu Páo Dung say đắm lòng người. Đó là niềm tin, ước vọng cho cuộc sống tươi đẹp, niềm tự hào về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình đã được gìn giữ qua bao đời nay./.

        


Tiến Quân

Tin khác

Tết Nhảy của đồng bào Dao ở thành phố Hà Giang (09/01/2023 14:10)

Câu lạc bộ Thơ-ca thành phố Hà Giang kỉ niệm 20 năm thành lập câu lạc bộ (17/12/2022 11:08)

Câu lạc bộ Thơ - Ca thành phố Hà Giang “Ngôi nhà của những người yêu thích nghệ thuật” (15/12/2022 14:12)

Thành phố Hà Giang chào mừng kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và ra mắt Đoàn nghệ thuật quần chúng Thành phố Hà Giang (30/08/2022 15:55)

Hội nghị lần thức 3, Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hà Giang khóa 4, nhiệm kỳ 2021-2026 (20/08/2022 08:36)

Chương trình nghệ thuật “Sắc màu tuổi trẻ” chào mừng Đại hội Thành đoàn Hà Giang (19/08/2022 15:15)

Đại hội Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026 (14/04/2022 16:23)

Tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn Tha xã Phương Độ (04/04/2022 07:58)

Thành phố Hà Giang tổ chức các hoạt động vui Xuân Nhâm Dần 2022 (03/02/2022 16:35)

Hát Then - loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Tày (17/01/2022 15:41)

xem tiếp