Thứ ba, Ngày 21 Tháng 5 Năm 2024

Văn hóa - Du lịch

Gửi Email In trang Lưu
Lễ hội Lồng Tồng – nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày

14/02/2016 16:33

Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là lễ hội xuống đồng) là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm giá trị văn hoá của người dân tộc Tày thường được tổ chức vào dịp đầu năm, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt, bội thu, cầu cho một năm mới thêm nhiều thắng lợi mới. Trong các ngày từ mùng 4 đến mùng 6 tết nguyên đán năm nay, nhiều thôn bản của 3 xã Phương Độ, Phương Thiện và Ngọc Đường đã tưng bừng tổ chức lễ hội Lồng Tồng xuân Bính Thân 2016. Tại lễ hội Lồng Tồng được tổ chức tại thôn Mè Thượng - xã Phương Thiện vào ngày 13/2/2016 (tức mùng 6 tết) đã giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của lễ hội này.

 Xã Phương Thiện là một trong những xã ngoại thành của Thành phố Hà Giang, cách trung tâm Thành phố 3km về phía nam. Đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc Tày chiếm trên 80% dân số, nên cứ mỗi độ xuân về, nhân dân trong các thôn bản từ già đến trẻ lại náo nức chuẩn bị cho lễ hội Lồng Tồng - một lễ hội có từ ngàn xưa của người dân tộc Tày. Ông Kiều Văn Bắc – Chủ tịch UBND xã Phương Thiện cho biết. Tổ chức lễ hội Lồng Tồng vào dịp đầu năm là một trong những hoạt động truyền thống của người dân nơi đây. Để tạo điều kiện cho người dân được tham gia lễ hội vui vẻ và thực hiện theo sự chỉ đạo của thành phố, ngay từ trước tết, xã đã có kế hoạch chi tiết chuẩn bị cho lễ hội. Hi vọng bà con nhân dân sẽ có một lễ hội thành công, một năm mới làm ăn thuận lợi.

Ngay từ sáng sớm, mọi người trong các thôn bản đã chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp nhất để tham dự vào một lễ hội quan trọng đầu năm mới. Điều quan trọng nhất trong lễ hội Lồng Tồng là dân làng sẽ chuẩn bị một mâm lễ để làm lễ tế các vị thần linh.  Mâm lễ thường có: thủ lợn, xôi màu, gà, rượu..và không thể thiếu những hạt giống tốt nhất được gom từ các gia đình trong thôn, bản. Ngoài ra còn có những quả còn do người dân mang đến. Những quả còn đẹp mắt thường được làm bằng vải, hình vuông, trang trí dải hoa văn, bên trong có thóc, cát và hạt bông để dùng vào trò chơi ném còn.

Già trẻ, gái trai, ai ai cũng háo hức khi được tham gia lễ hội, họ đến lễ hội không chỉ là dịp để vui xuân, gặp gỡ nhau, mà ai cũng có những mong ước tốt đẹp, cầu cho những điều may mắn nhất đến với bản thân, gia đình và cho tất cả nhân dân trong thôn, bản của mình.

 

Lễ hội Lồng Tồng của xã Phương Thiện năm nay đã thu hút rất nhiều các du khách thập phương và đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn về tham dự.  Mở màn cho lễ hội, tất cả mọi người cùng được nghe ông chủ lễ - là người có uy tín nhất được dân làng lựa chọn để làm lễ tế.. Trong bài khấn của mình, ông chủ lễ đã cầu xin các vị thần linh, trời đất, thần sông, thần núi, thần mưa, thần gió đến vui hội với bà con nhân dân và phù hộ, độ trì cho dân làng một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, xóm làng đoàn kết, yên vui, nhà nhà no ấm, hạnh phúc...Sau phần lễ tế trời đất ông chủ lễ phân phát hạt giống và quả còn cho dân làng, cho các vị khách gần xa về tham dự lễ hội. Hạt thóc, hạt bông là biểu tượng cho hạt mầm của sự no đủ, sự ấm êm hạnh phúc, với mong muốn mọi người sẽ bắt đầu một năm mới nhận được nhiều may mắn, lao động sản xuất thuận lợi.

 

 

Kết thúc phần lễ là đến phần hội. Mọi người nô nức xuống đồng, cùng thi nhau đi những đường cày đầu tiên, cấy những cây lúa đầu tiên. Qua phần thi này, mọi người có dịp tranh sức, đua tài và thể hiện sự khéo léo, sức dẻo dai bền bỉ trong công việc. Hi vọng sẽ mang đến nhiều may mắn cho một vụ mùa thuận lợi, tốt tươi, một mùa làm ăn mới sinh sôi nảy lộc.

Trong phần hội, dân làng còn cùng nhau chơi các trò chơi dân gian như tung còn, kéo co, đẩy gậy. Cùng nhau vui vẻ thể hiện những điệu hát múa truyền thống của dân tộc tày, mừng cho lễ hội thành công, mừng cho một năm mới đầy hi vọng. Tuy đời sống của bà con nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc tày nói chung và Lễ hội Lồng Tồng nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Đây là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng cần được lưu giữ, không chỉ giúp tăng cường thắt chặt tình đoàn kết gắn bó của nhân dân các dân tộc, mà còn là một hoạt động văn hoá thu hút khách du lịch đến tìm hiểu và vui chơi mỗi dịp đầu năm mới, góp phần xây dựng Thành phố Hà Giang giàu đẹp, văn minh và đậm đà bản sắc dân tộc./

Huyền Trang - Đài TT TH TP

Tin khác

Hoa tết ở thành phố Hà Giang (04/02/2016 16:36)

Tết của người Dao ở Nậm Tài Thành Phố Hà Giang (03/02/2016 16:38)

TIN TỨC - SỰ KIỆNVĂN HÓA - DU LỊCH Thành phố Hà Giang tham gia lớp tập huấn về Quản lý khách sạn theo tiêu chuẩn VTOS. (26/01/2016 11:06)

NHỮNG NGHỆ NHÂN GIỮ GÌN LÀN ĐIỆU THEN Ở PHƯƠNG ĐỘ THÀNH PHỐ HÀ GIANG (26/01/2016 11:05)

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa hát Then của dân tộc Tày thành phố Hà Giang (26/01/2016 11:03)

Nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Hà Giang (25/11/2015 10:45)

xem tiếp