Thứ tư, Ngày 1 Tháng 5 Năm 2024

Chuyển đổi số

Gửi Email In trang Lưu
Sự cần thiết của chuyển đổi số trong công tác truyền thông đa phương tiện hiện nay

27/03/2024 03:29

Chuyển đổi số trong công tác truyền thông đa phương tiện nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt xứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, sự phát triển của mỗi địa phương.

Chuyển đổi số báo chí truyền thông (Sưu tầm)

           Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, truyền thông nước ta đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới. Báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước các khó khăn, thách thức mới, trong đó có sự ảnh hưởng vừa tích cực vừa có nhiều biến động trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thách thức, cơ hội của tiến trình chuyển đổi số trên thế giới và tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm truyền thông báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Đồng thời, là hoạt động phát triển truyền thông báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chính trị như định hướng thông tin và định hướng dư luận trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam. 

Trên cơ sở đó, chuyển đổi số truyền thông báo chí cần hoạt động vận hành phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng truyền thông số, cơ quan truyền thông báo chí đưa nội dung trên các nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí thông minh nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trên cơ sở đó, cần quan tâm triển khai các nội dung sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chuyển đổi số đối với cơ truyền thông quan báo chí và các cơ quan quản lý nhà nước như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện rà soát, xây dựng, đề xuất sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật về truyền thông báo chí và các văn bản có liên quan nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí vừa tổng thể vừa toàn diện vừa chi tiết để tạo nền tảng và hành lang pháp lý thông thoáng cho sự phát triển của các cơ quan truyền thông báo chí.

Hai là, xây dựng mô hình hội tụ tại các cơ quan truyền thông báo chí Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan truyền thông báo chí trọng điểm như Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình; Đài Tiếng nói… làm nền tảng và tiền đề cho các cơ quan báo chí khác ở cả Trung ương và địa phương học tập, xây dựng mô hình phù hợp với bối cảnh của từng cơ quan, đơn vị. Tổ chức theo hướng hội tụ công nghệ và nội dung hướng tới việc tập trung cách thức quản lý, cách thức tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông báo chí và sự kết hợp các phương tiện truyền thông nhằm cung cấp một nền tảng thống nhất tại cơ quan truyền thông báo chí từ chức năng, phương thức phát hành, quyền sở hữu, hình thái tổ chức… Hội tụ công nghệ và nội dung là hệ quả của sự ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực truyền thông báo chí nhằm thống nhất về xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để cung cấp tiện ích tốt nhất cho công chúng và độc giả. Hội tụ công nghệ và nội dung cho phép các cơ quan truyền thông báo chí xây dựng một nền tảng công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ lên môi trường số nhằm giúp các cơ quan truyền thông báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu thông tin của công chúng, từ đó xây dựng các tuyến bài đáp ứng các nhu cầu, đúng thời điểm của công chúng đồng thời bảo vệ hoạt động của cơ quan truyền thông trên môi trường số.

Ba là, phát triển các sản phẩm truyền thông báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện. Trên cơ sở phát triển các sản phẩm truyền thông bằng nhiều phương tiện như viết, nghe, nhìn, trực tuyến và có thể trải nghiệm qua nhiều hình thức trình diễn như nội dung, hình ảnh, video, đồ họa, âm thanh trên một sản phẩm truyền thông báo chí, đồng thời, phát triển các dòng sản phẩm truyền thông báo chí dựa trên nền tảng số, công cụ số để hình thành truyền thông số. Tích hợp các sản phẩm truyền thông báo chí dựa trên đa nền tảng, đa dịch vụ như tích hợp nội dung thông qua hợp tác với các đối tác để phát hành trên nhiều nền tảng, kể cả các nền tảng phi báo chí như các ứng dụng mua sắm, ứng dụng ngân hàng… Đồng thời, ứng dụng dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo trong hoạt động truyền thông báo chí, đặc biệt trong các hoạt động sáng tạo các tác phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hầu hết dựa vào các nền tảng khác nhau để hỗ trợ các hoạt động của cơ quan báo chí, truyền thông để khai thác tối đa tài nguyên của mình để phục vụ công chúng một cách hiệu quả nhất. Khi internet phát triển và tác động mạnh mẽ tới các cơ quan báo chí, truyền thông thì có nhiều nghiên cứu về xu thế của báo chí đa nền tảng dựa trên các hành vi của công chúng. Khi thông tin phải tìm tới công chúng thì việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn là cách tốt nhất để các cơ quan truyền thông báo chí tiếp cận đến công chúng một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Bốn là, phát triển nội dung số, trong đó ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm truyền thông số, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nội dung số và nâng cao chất lượng trải nghiệm của công chúng. Theo đó, công chúng được tiếp cận thông tin trên môi trường số mọi lúc mọi nơi và không bị hạn chế về không gian, thời gian hay vị trí địa lý. Dưới tác động của công nghệ, công nghiệp nội dung số đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị trí tuệ cao và là phương tiện để hiện thực hóa xã hội thông tin và xã hội tri thức. Đồng thời, nội dung số cũng cho phép sáng tạo và thể hiện các sản phẩm truyền thông báo chí truyền thông trên các nền tảng khác nhau để tăng sự tương tác với đa dạng công chúng.

Năm là, các cơ quan truyền thông báo chí cần tiếp cận và triển khai hình thức cá nhân hóa và tùy biến các sản phẩm truyền thông. Khi truyền thông dựa trên internet và công nghệ số, công chúng có khả năng tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn đến các dòng thông tin, xóa nhòa “biên giới” trong môi trường truyền thông. Ranh giới về địa lý, hành chính quốc gia trên không gian mạng bị “xóa mờ”, quá trình thông tin và tiếp nhận thông tin của công chúng được thực hiện liên tục, thông qua quy mô rộng lớn. Việc thông tin tự tìm đến với công chúng làm cho vấn đề cá nhân hóa và tùy biến để đáp ứng cho nhu cầu của từng công chúng ngày càng hiện hữu. Nhu cầu của công chúng đối với sản phẩm báo chí truyền thông theo yêu cầu, cá nhân hóa giao diện, cá nhân hóa cách tiếp cận thông tin đã tạo ra sân chơi mới cho các phương tiện truyền thông.

Sáu là, phát triển kinh tế truyền thông theo hướng tự chủ của các cơ quan truyền thông báo chí. Hoạt động kinh tế truyền thông cần đảm bảo phù hợp với pháp luật và tôn chỉ, mục đích cũng như đảm bảo nhiệm vụ chính trị. Cần có các giải pháp đồng bộ khi các sản phẩm truyền thông được tham gia thị trường như một loại hàng hóa đặc biệt, đồng thời có hành lang pháp lý để hoạt động quảng cáo của cơ quan truyền thông đi vào thực chất, hiệu quả. 

Sở TT&TT Hà Giang tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức xây dựng sản phẩm truyền thông đa phương tiện

Bảy là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực truyền thông vừa “hồng” vừa “chuyên”. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành truyền thông báo chí tập trung cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường truyền thông số trong các chương trình đào tạo cho sinh viên hệ đại học và các hệ sau đại học. Cần xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo và đào tạo lại đối với nhà báo theo nhiều hình thức khác nhau theo hướng tăng cường về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại, tập trung vào trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của người làm truyền thông.

Tám là, cần sớm hình thành nền tảng truyền thông số quốc gia. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông số quốc gia trên cơ sở phát huy mô hình tòa soạn hội tụ, chỉa sẻ và triển khai các dịch vụ trên môi trường mạng cho phép các cơ quan truyền thông báo chí cùng tham gia, giao dịch, cung cấp dịch vụ theo hướng đơn giản, thuận tiện, theo yêu cầu của các cơ quan truyền thông báo chí. Thông qua nền tảng số quốc gia, cho phép kết nối các cơ quan truyền thông báo chí để có thể phát triển và chia sẻ dữ liệu rộng khắp trên cơ sở tận dụng nguồn lực, dữ liệu của các cơ quan truyền thông.

Hướng dẫn vận dụng công nghệ số vào truyền thông cho đội ngũ làm truyền thông tại Hà Giang

Chín là, thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truyền thông báo chí. Các cơ quan báo chí truyền thông cần tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí trong và ngoài nước nhằm hướng tới việc chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm và giao lưu để phát triển hoạt động báo chí phù hợp với tôn chỉ, mục đích, nhân văn, hiện đại vừa tiếp cận với cái mới vừa đảm bảo an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp truyền thông, thời đại của kết nối internet vạn vật và trí thông minh nhân tạo. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của chuyển đổi số, cách làm truyền thông đã hoàn toàn thay đổi so với môi trường truyền thống.

Theo đó, chuyển đổi số nhằm xây dựng báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Phát triển sản phẩm truyền thông số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả. Chuyển đổi số đã mang lại xu thế của sự hội tụ về công nghệ theo yêu cầu của người dùng và các nền tảng truyền thông mới đã ra đời nhằm đáp ứng các yêu cầu đó. Truyền thông Việt Nam đang dần chuyển dịch để bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên truyền thông số.

 

 

 

Minh Phượng

Tin khác

Chủ tịch UBND thành phố đối thoại trực tiếp với đoàn viên thanh niên. (13/03/2024 12:19)

Hội nghị tập huấn kỹ năng về công nghệ thông tin và chuyển đổi số (15/11/2023 14:22)

Giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh từ Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy (08/09/2023 16:01)

Ra mắt công trình thanh niên “Mã QR gắn với địa chỉ đỏ” (26/07/2023 07:17)

Những kết quả trong công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023 ở thành phố Hà Giang (14/07/2023 08:13)

Họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Hà Giang (29/06/2023 07:48)

Thành phố Hà Giang nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Trung tâm điều hành giám sát IOC (16/06/2023 14:51)

Hội nghị tập huấn triển khai Đề án 06 và phổ cập kỹ năng số cộng đồng năm 2023 (13/04/2023 03:46)

Họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Hà Giang (13/04/2023 03:39)

Thành phố Hà Giang đẩy mạnh chuyển đổi số (21/02/2023 09:17)

xem tiếp