Thứ tư, Ngày 1 Tháng 5 Năm 2024

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gửi Email In trang Lưu
Thành phố Hà Giang hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

19/05/2023 02:35

Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng, chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta với những nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, phù hợp và đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm của các tầng lớp nhân dân với phong trào thi đua yêu nước

       Tháng 8-1945, trong hoàn cảnh kinh tế, tài chính của chính quyền cách mạng non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu đói”. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến. Ngày 27-3-1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.  Lời kêu gọi thi đua của Người không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước trong quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn có giá trị chỉ đạo, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

        Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và rất sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước từ mục đích, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng đến kết quả. Trong bối cảnh tình hình đất nước lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của thi đua ái quốc là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; cả 3 loại giặc này đều nguy hiểm, phải “diệt” để bảo đảm cho sự giải phóng, tồn tại và phát triển của đất nước, của nhân dân, của chế độ mới. Để thực hiện mục đích đó, Người yêu cầu mọi người dân Việt Nam, c sĩ, nông, công, thương, binh phải “Làm cho mau. Làm cho tốt. Làm cho nhiều”. Yêu cầu đó không chỉ đặt ra về mặt số lượng, chất lượng mà còn xác định cả yêu cầu về thời gian thực hiện.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ rõ lực lượng thi đua ái quốc là mọi người dân Việt Nam cả “sĩ, nông, công, thương, binh”, không bất kể “già, trẻ, trai, gái”, mà Người còn chỉ rõ hoạt động thi đua ái quốc phải được diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi người dân Việt Nam đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, nhằm thực hiện khẩu hiệu “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Đồng thời, Người còn chỉ rõ, thi đua ái quốc phải được thể hiện trong sự kết hợp, gắn bó chặt chẽ giữa nhiệm vụ “kháng chiến” nhằm thực hiện mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ chế độ xã hội mới với nhiệm vụ “kiến quốc”, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chế độ xã hội mới trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh không những nhấn mạnh thi đua ái quốc là bổn phận của mọi người dân Việt Nam, mà còn chỉ rõ mỗi đối tượng cụ thể phải làm gì. Người yêu cầu các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào phú hào thi đua mở doanh nghiệp. Đồng bào công nông thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Như vậy là, mọi người đều phải thi đua ái quốc vì mục tiêu chung là kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công, nhưng phải tùy thuộc vào mỗi lĩnh vực hoạt động cụ thể của mỗi người mà xác định mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp thi đua cho phù hợp nhằm đem lại kết quả cụ thể, thiết thực.

        Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp, lực lượng thi đua, Người còn chỉ ra kết quả mà phong trào thi đua đạt được sẽ là toàn dân đủ ăn, đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt giặc ngoại xâm; toàn quốc sẽ độc lập hoàn toàn để đi tới thực hiện mục tiêu “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Người còn dự báo phong trào thi đua ái quốc sẽ lan tỏa sâu rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, trở thành một phong trào to lớn, sôi nổi, mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước để đi đến thắng lợi cuối cùng. Người hết sức tin tưởng vào tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên quyết của nhân dân ta, của quân đội ta, chúng ta nhất định thắng lợi. Chính niềm tin của Người là sức mạnh để động viên, cổ vũ, khích lệ toàn dân, toàn quân ta hăng hái thi đua yêu nước.

         Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những có giá trị, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong giai đoạn cách mạng trước đây mà vẫn còn giữ nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta hiện nay. Trong thời kỳ mới, vận dụng những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước nói chung, về nội dung tư tưởng trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11-6-1948 nói riêng, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Giang quyết tâm làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm của các tầng lớp nhân dân, của lực lượng vũ trang nhân dân về sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của phong trào thi đua yêu nước; trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai phát động các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo nên sức mạnh mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

         Qua các từng phong trào thi đua yêu nước là cơ sở rút kinh nghiệm, chỉ ra được những cách làm hay, những tấm gương điển hình, tiên tiến trong các phong trào thi đua đó; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân, tổ chức lập nhiều thành tích xuất sắc và tổ chức rút kinh nghiệm, cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công; từ các kinh nghiệm thành công để tiếp tục nhân rộng phong trào, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, tạo sức lan tỏa sâu rộng và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.


 

Tiến Quân

Tin khác

Hà Giang phát động Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023. (10/04/2023 14:09)

Thi đua ái quốc là động lực để tập hợp sức mạnh toàn dân (29/08/2022 10:24)

Thành phố Hà Giang phong trào “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030” (20/08/2022 08:21)

Hội Khuyến học thành phố học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (18/05/2022 14:52)

Ban chỉ huy Quân sự Phường Nguyễn Trãi làm theo lời Bác (25/02/2022 15:58)

Thành phố Hà Giang thiết thực làm theo lời Bác (18/05/2020 23:12)

Nguyễn Văn Đạt – Người trạm trưởng gương mẫung mẫu (18/05/2020 23:07)

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (04/05/2020 07:18)

Lý Văn Hồng – Người truyền lửa phát triển kinh tế thôn vùng cao (20/04/2020 15:32)

Báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo ttuw tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (03/04/2020 20:28)

xem tiếp