Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Nông thôn mới

Gửi Email In trang Lưu
Trồng và chăm sóc cây Cải bắp vụ đông

08/11/2017 15:30

Cải bắp là loại rau chủ lực trong họ Thập tự, trồng trong vụ đông xuân; Là loại cây hai năm: năm thứ nhất sinh trưởng thân lá, năm sau qua giai đoạn xuân hóa, sau đó mới ra hoa, kết quả. Cải bắp thuộc nhóm rau có nguồn gốc ôn đới, nhiệt độ xuân hóa (nhiệt độ cần thiết để phân hóa mầm hoa) là 1-10 độ C trong khoảng 15-30 ngày tùy thời gian sinh trưởng của giống. Do vậy, trong quá trình sinh trưởng, khi gặp điều kiện này, cây sẽ ra hoa, kết quả ngay ở năm đầu.

Cải bắp vụ đông thường gieo trồng từ tháng 11 đến giữa tháng 12. Trước khi gieo trồng, bà con cần cày bữa kỹ, nhặt sạch cỏ dại; Làm luống: Mặt luống rộng 90 – 100cm, rãnh rộng 30cm, luống cao 25cm. Bà con nên chọn đất thịt nhẹ; nơi trồng rau sạch phải xa nguồn nước thải, xa khu công nghiệp. Trồng 2 hàng dọc luống với khoảng cách: hàng cách hàng 50cm, cây cách cây 50cm.

Trước khi gieo hạt, bà con nên ngâm vào nước 50 độC trong 20 phút, sau đó vớt ra ngâm nước lạnh từ 8 – 10 giờ và mang gieo. Lượng hạt gieo 1,5 – 2g/m2. Gieo hạt xong thì phủ lên mặt luống một lớp rơm, rạ mục băm nhỏ (dài 1 – 1,5cm) hoặc trấu đã qua xử lý (trấu đã ngâm nước khoảng 5 – 7 ngày sau đó phơi khô). Dùng cót tre để che mưa to, nắng rát. Che cót kín 5 ngày đầu, những ngày sau chỉ che khi có mưa to hoặc nắng rát. Dùng thùng ô doa tưới đẫm nước. Những ngày sau tưới 1 –2 lần/ngày, sau đó 2 ngày tưới nước 1 lần đảm bảo độ ẩm khoảng 70 – 80%.

Trong quá trình trồng, chăm sóc Cải bắp, bà con cần chú ý đến khau bón lót ban đầu (lượng phân/1m2): 1kg phân chuồng hoai + 15g supe lân + 8g kali. Trải đều phân lên mặt luống, đảo đều phân với đất, sau đó vét đất ở rãnh phủ lên mặt luống dầy 1,5 – 2cm. (Nếu đất chua (pH<6) mỗi sào bón khoảng 20 – 25kg vôi bột, trước khi bừa ngả). Ngoài ra cũng có thể bón lót bằng phân hữu cơ sinh học, bà con sử dụng cho 1000m2: 500 kg phân hữu cơ sinh học.

Quá trình chăm sóc cây sinh trưởng:

- Bón thúc lần 1: Bón Better NPK 16-12-8-11+TE, bón khi cây hồi xanh.

- Bón thúc lần 2: Bón Better NPK 16-12-8-11+TE, bón khi trải lá nhỏ.

- Bón thúc lần 3: Bón Better NPK 16-12-8-11+TE, bón khi trải lá rộng (trải lá bàng).

- Bón thúc lần 4: Bón Better NPK 16-12-8-11+TE, bón khi cây sắp vào cuốn.

- Bón thúc lần 5: Bón Better NPK 16-12-8-11+TE, bón khi cây cuốn xong (trước thu hoạch 20 ngày), bón phân cách gốc cây 15 – 20cm.

Kết hợp các đợt bón phân làm cỏ, xới xáo, vun gốc, tưới nước. Không dùng nguồn nước thải, nước ao tù chưa được xử lý để tưới. Nên dùng nước giếng khoan, nước sông tưới cho rau. Trồng xong phải tưới nước ngay, tưới 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh, sau đó 3 – 5 ngày tưới 1 lần. Nếu trồng gặp nắng to phải che nắng cho cây con 3 – 5 ngày đầu. (Khi cây trải lá bàng có thể tháo nước ngập rãnh, khi đủ ẩm phải tháo nước ngay).

Thời tiết mưa, nắng đan xen thường tạo điều kiện cho sâu bệnh hại cây Cải bắp phát triển; Bà con nông dân cần chú ý cách phòng trừ.

Một số đối tượng chính:

- Sâu tơ: thường tập hợp ở mặt dưới lá.

- Sâu xanh bướm trắng: thường ẩn nấp mặt dưới lá.

- Bọ nhảy sọc cong vỏ lạc: gây hại nặng nhất ở thời kỳ cây con mới mọc nếu mật độ 1 - 2 con/cây kết hợp trưởng thành hại lá có thể làm cây chết.

- Bệnh thối nhũn bắp cải: thường xuất hiện sau khi cải bắp đã cuốn.

Phòng trừ sâu bệnh: cần thực hiện ngay từ khi làm đất, thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch. Cuốc lật đất cày sâu 10 - 15 cm, phơi ải từ 10 - 15 ngày trước khi trồng (hoặc lên luống rồi phủ ni-lông trên bề mặt từ 3 - 5 ngày để diệt ấu trùng sau đó gieo trồng bình thường). Bón phân đầy đủ và cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục. Thường xuyên luân canh với các cây khác họ. Gieo trồng tập trung đúng thời vụ.

Ngoài ra, bà con thực hiện phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sử dụng thuốc hoá học:

- Đối với sâu tơ: Khi mật độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn cây con) và trên 30 con/m2 (cây lớn) thì sử dụng thuốc: Oncol 20EC, Cyperkill 10EC, 25EC, 5EC, Pegasu 500SC, Reasgant 1,8EC, 3,6EC, Sokupi 0,36AS, Catex 1,8EC, 3,6 E...

- Đối với sâu xanh bướm trắng: Khi mật độ sâu non trên 6 con/m2 sử dụng thuốc Ratoin 10EC, Delfin WG (32BIU), Biocin 16WP, Cymerin 10EC...

- Đối với Bọ nhảy: Khi mật độ trên 20 con/m2 sử dụng thuốc Actara 25WG, Sokupi 0,36 AS, 0,5AS....

- Đối với bệnh thối nhũn: Khi có 10 % cây bị bệnh, sử dụng các loại thuốc Staner 20WP, Poner 40T...

Chú ý: Khi phòng trừ phải phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì, tuân theo nguyên tắc "4 đúng", ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc và bảo đảm đúng thời gian cách ly. 

Tiến Quân, Trung tâm VHTT&DL TP.Hà Giang

Tin khác

Điện về với các thôn vùng cao của Thành phố Hà Giang (07/11/2017 16:16)

THÔN NÀ THÁC LÀM TỐT CÔNG TÁC BẢO VỆ TÀI NGUYÊN RỪNG (03/11/2017 10:05)

SỞ VHTT&DL ĐÔN ĐỐC, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI TPHG (02/11/2017 15:54)

Trồng và chăm sóc cây Su su vụ đông (01/11/2017 08:02)

Phát triển trồng cây Cà chua trên đất ruộng (25/10/2017 10:16)

Chi bộ thôn Lâm Đồng xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh (17/10/2017 10:09)

TRỒNG, CHĂM SÓC, XỬ LÝ VÀ BÁO QUẢN KHOAI TÂY (06/10/2017 16:06)

HIỆU QUẢ CỦA CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU Ở THÔN THA XÃ PHƯƠNG ĐỘ (06/07/2017 15:39)

CỰU CHIẾN BINH XÃ PHƯƠNG ĐỘ THÀNH PHỐ HÀ GIANG THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI (12/06/2017 16:04)

Nông dân thành phố Hà Giang tham gia xây dựng nông thôn mới (09/05/2017 09:14)

xem tiếp